Chương trình có sự tham gia của ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Dưới đây là nội dung buổi Tọa đàm:

Theo ước tính sơ bộ của Tổng cục Thuế, DN sử dụng hóa đơn giấy trung bình phải bỏ chi phí trên 1.000 đồng/hóa đơn và với số lượng 2,5 tỷ hóa đơn/năm thì chi phí mỗi năm bỏ ra lên đến 2.500 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), số tiền mà doanh nghiệp (DN) có thể tiết kiệm được tới trên 1.000 tỷ đồng/năm.

Thưa ông Nguyễn Đại Trí, ông có thể giải thích cụ thể về HĐĐT và điểm khác biệt nổi bật của HĐĐT so với hóa đơn giấy truyền thống lâu nay?

Ông Nguyễn Đại Trí: HĐĐT đem lại một sự thuận lợi rất lớn cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế. Trước đây, việc lập hóa đơn hoàn toàn mang tính thủ công; đến nay cùng với việc triển khai các phần mềm kế toán quản trị, DN hoàn toàn có thể xuất HĐĐT của các DN trên cơ sở đó kết xuất để đưa vào hệ thống chủ.

Theo đó toàn bộ hệ thống lưu trữ, vận chuyển, chuyển nhận của HĐĐT đều được thực hiện qua kênh điện tử. Như vậy, tiết kiệm rất nhiều cho người nộp thuế; giúp cho việc bảo quản, sử dụng hóa đơn tốt hơn rất nhiều.

Thêm nữa, cũng do việc lưu trữ là một áp lực rất lớn cho DN và xã hội, vì vậy mà việc lưu trữ trên điện tử rất tiện lợi. Về phía cơ quan thuế, chúng tôi hình thành được một cơ sở dữ liệu về hóa đơn phục vụ công tác quản lý thuế, công tác kiểm tra, đối chiếu, rà soát cũng như kịp thời phát hiện những hành vi gian lận trong việc phát hành hóa đơn.

Thưa ông Đậu Anh Tuấn, HĐĐT mang lại những tiện lợi gì cho DN và người dân, những lợi ích về kinh tế xã hội?

Ông Đậu Anh Tuấn: Chúng tôi kì vọng HĐĐT sẽ mang lại những lợi ích lớn cho cộng đồng kinh doanh, cho cơ quan quản lý nhà nước và cho nền kinh tế nói chung. Hiện tại, theo quan sát của tôi thì hóa đơn giấy cũng có tới 4 thủ tục hành chính liên quan đến HĐĐT như khai báo sử dụng, mất cũng phả tiến hành thủ tục thông báo... Việc đưa HĐĐT vào cũng đã giảm được những việc như vậy. Với đăng kí gọn nhẹ, doanh ngiệp tiết kiệm được rất nhiều và giảm thiểu rủi ro cho DN. Hi vọng với chuyển đổi mạnh mẽ của ngành thuế, các DN và người nộp thuế sẽ được thụ hưởng những lợi ích lớn này.

Thưa ông Trí, ông có trao đổi gì thêm về câu hỏi này?

Ông Nguyễn Đại Trí: Khi đưa HĐĐT vào sử dụng thì đây không còn là câu chuyện của riêng ngành thuế và các DN tham gia về hoạt động mua bán dịch vụ mà trong đó có sự tham gia của các cơ quan chức năng khác. Sử dụng HĐĐT sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho việc luân chuyển hóa đơn trên thị trường.

HĐĐT đã được triển khai sử dụng một thời gian. Vậy kết quả sử dụng đến nay như thế nào, thưa ông Nguyễn Đại Trí?

Ông Nguyễn Đại Trí: HĐĐT manh nha hình thành và được triển khai vài ba năm gần đây. Hiện nay, có nhiều DN sử dụng HĐĐT từ rất lâu. Trên cơ sở Nghị định 51 và sau đó là Nghị định 04 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 51 thì Bộ Tài chính đã có những quy định về HĐĐT  trong đó có Thông tư 32 năm 2011.

Đến nay, theo số lượng mà chúng tôi nắm bắt được thì số lượng DN sử dụng HĐĐT tăng lên theo từng năm. Nếu như đến hết năm 2016 mới có khoảng 700 – 800 DN sử dụng HĐĐT  thì đến hết tháng 6/2017, đã có khoảng 2.700 DN với 300 triệu HĐĐT  được ghi nhận. Lộ trình tiếp theo là phải đưa HĐĐT phủ sóng rộng hơn tiến tới thay thế hóa đơn giấy.

Thưa ông Đậu Anh Tuấn, trước những kết quả mà ông Nguyễn Đại Trí vừa đưa ra, ông có bình luận đánh giá gì? Và không chỉ dựa trên những bình luận kết quả này, ông cũng là một người rất sát sao, đồng hành với DN, ông hãy đưa ra bình luận của mình.

Ông Đậu Anh Tuấn: Hiện nay xu hướng áp dụng HĐĐT diễn ra rất mạnh mẽ, những công ty, tập đoàn lớn thì đã áp dụng tiên phong. Chúng tôi muốn nói rằng việc áp dụng HĐĐT tuy giá trị không lớn nhưng tạo thành thói quen. Chúng tôi kì vọng trong thời gian tới HĐĐT không chỉ dừng lại ở ngưỡng 200.000 DN nhưng vẫn được tính hoàn thuế giá trị gia tăng chẳng hạn. Điều này mang lại lợi ích cho DN rất lớn. Hiện tại có hai loại HĐĐT. Một là HĐĐT do DN sử dụng chưa có mã xác thực của cơ quan thuế, hai là HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế. Sắp tới, sẽ có nhiều DN lo ngại đặc biệt là các DN đã áp dụng HĐĐT rồi nhưng chưa có mã xác thực của cơ quan thuế thì họ chuyển đổi như thế nào để đáp ứng được vấn đề này. Có thể họ phải tốn nhiều chi phí, có thể họ phải thay đổi cơ sở dữ liệu của mình để phù hợp với ý tưởng mới trong Nghị định này. Nhóm này chắc cần thời gian chuyển đổi.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến băn khoăn của DN là liệu hạ tầng công nghệ có đáp ứng được hay không. Nhiều DN muốn có một lộ trình áp dụng cụ thể.

Thưa ông Trí, ông có thể cho biết rõ hơn về cơ chế vận hành của từng loại hóa đơn mà ông Tuấn vừa nêu?

Ông Nguyễn Đại Trí: Tôi xin đính chính lại một chút, theo tôi có 3 loại HĐĐT. Loại thứ nhất là hệ thống hóa đơn tự xây dựng của các DN. Đây là những DN lớn có số lượng phát hành hóa đơn rất nhiều, ví dụ các DN điện, nước, viễn thông… Chúng ta có thể thấy các DN như VNPT, Viettel, EVN… đều đã làm. Loại thứ hai là HĐĐT sử dụng qua tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ HĐĐT như Bkav, VNPT, Viettel… Loại thứ ba là HĐĐT có xác thực của cơ quan thuế.

Với hóa đơn xác thực, khi có nhu cầu, DN kết nối với cơ quan thuế thực hiện lập hóa đơn và cơ quan thuế sẽ xác thực cấp HĐĐT với mã xác thực. Với hai nhóm hóa đơn còn lại, trong Nghị định cũng sẽ đặt ra vấn đề định kì hoặc tùy theo tính chất có thể hằng ngày thậm chí online tùy theo công việc. Tất nhiên, khi đưa ra một thay đổi mà nó tác động lớn đến toàn xã hội thì chúng tôi nghĩ rằng câu chuyện đặt ra phải rất nghiêm túc, rất thận trọng, không gây xáo trộn DN. Các DN đang vận hành HĐĐT  tiếp tục vận hành, các DN hiện nay đang dùng hóa đơn giấy thì tùy theo mức độ người ta có thể xây dựng hoặc người ta có thể thông qua tổ chức trung gian. Còn với DN thuộc diện phải mua hóa đơn của cơ quan thuế, DN mới thành lập thì phải dùng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế.

Ông Tuấn vừa nói HĐĐT sẽ giúp chúng ta minh bạch trong giao dịch, vậy HĐĐT  có giúp DN tránh được các rủi ro như hóa đơn giả, hóa đơn của DN bỏ trốn, hóa đơn bất hợp pháp như lâu nay?

Ông Đậu Anh Tuấn: Đấy chính là những lợi ích lớn của HĐĐT, khi mọi giao dịch được minh bạch hóa sẽ giảm thất thu ngân sách, giúp môi trường kinh doanh bình đẳng, khi cơ quan thuế có đầy đủ dữ liệu thì có thể phân tích biết được những lĩnh vực có nguy cơ thất thu thuế cao và tiến hành các hoạt động giám sát, điều rất là khó với hóa đơn giấy hiện tại. Áp dụng hóa đơn điện tử sẽ giảm được rất nhiều nhân lực, chi phí quản lý cho ngành thuế như trong các khâu phải cử người đi xác minh hóa đơn. Đối với DN thì lợi ích là giảm rủi ro về hóa đơn giả và những trục trặc về thủ tục thuế mà trước đây không kiểm soát được. Đó là chưa kể đến các chi phí tiết kiệm được khi không phải in hóa đơn giấy so với hiện nay mỗi năm chúng ta phải in 4 tỷ hóa đơn giấy.

Thưa ông Trí khi áp dụng HĐĐT thì cách quản lý cũng phải thay đổi thưa ông?

Ông Nguyễn Đại Trí: Để áp dụng HĐĐT cần sự vào cuộc tích cực đồng bộ của các cơ quan chức năng. Cái lợi lớn nhất mà ngành thuế có được là cơ sở dữ liệu đầy đủ, kịp thời về toàn bộ các hoạt động giao dịch mua bán. Khi đó chúng tôi sẽ triển khai các giải pháp công nghệ để cung cấp các dịch vụ tra cứu, chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng khác như quản lý thị trường, điều tra chống gian lận thương mại… Cái thứ ba nữa là khi có cơ sở dữ liệu về thuế chúng tôi có điều kiện thống kê đánh giá toàn bộ các hoạt động mua bán trên thị trường.

Thưa ông Đậu Anh Tuấn, vấn đề DN theo ông cần có chính sách gì chuyển đổi sử dụng HĐĐT?

Ông Đậu Anh Tuấn: Vừa rồi chúng tôi hợp tác với Tổng cục Thuế triển khai hội thảo tại Hà Nội và TPHCM. Nhìn chung các DN ủng hộ cao, tinh thần sửa đổi Nghị định 51/2004 của Chính phủ.

Để xem chi tiết nội dung buổi Tọa đàm, mời truy cập tại đây.